Món Ngon Bình Định - Giao Hàng Tại TP HCM - Hotline: 090.69096.00
Hotline: 090.69096.00
Đếm ngược ngày đến tết
Trang chủ » Tin tức » Khám phá Bình Định » VỀ BÌNH ĐỊNH KHÁM PHÁ MÓN NGON NỨC TIẾNG

VỀ BÌNH ĐỊNH KHÁM PHÁ MÓN NGON NỨC TIẾNG

Du khách đến Bình Định không chỉ bị quyến rũ bởi danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa hay những đêm hát bội hấp dẫn mà còn bị quyến rũ bởi nhiều món ăn lạ miệng. Sẽ thật thiếu sót đáng tiếc nếu đến Bình Định mà không một lần thưởng thức những đặc sản làm nên huyền thoại ở mảnh đất hào hùng nơi đây.

Bánh canh chả cá

Bánh canh chả cá là đặc sản khá nổi tiếng ở Quy Nhơn, được bày bán ở nhiều con phố. Sự độc đáo của bánh canh chính là cách làm bánh, chả và chế biến nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị. Còn sợi bánh làm bằng bột gạo pha với bột mì, khi chín có độ dai và màu trong rất lạ. Nước dùng chủ yếu nấu bằng xương cá, đầu cá tạo ra cái ngọt thanh thanh, để lại cho người ăn cảm giác khó quên.

Không giống bánh canh ở những nơi khác, bánh canh chả cá Bình Định có 2 loại mà du khách có thể lựa chọn là chả cá chiên thơm nồng và chả hấp được giã bằng tay với các loại cá mối, cá thác lác.... làm nên vị ngọt đậm đà. Khách ăn bánh canh đôi khi không cần quán cầu kỳ, sang trọng mà chỉ ngồi ở vỉa hè mà thưởng thức.

Bánh canh chả cá

Bún cá Bình Định

Bún cá là một trong những món ăn vô cùng quen thuộc đối với người dân Quy thành. Mỗi khi có khách phương xa đến chơi, đây là món đặc sản Bình Định thường được giới thiệu đầu tiên. Chả cá được làm từ những con cá tươi ngon vừa đánh bắt về, dai, thơm và mặn mà. Bún thường được ăn kèm với đĩa rau sống xanh non còn đọng nước, thêm chút ớt tương ngào đỏ sẫm cùng vài lát hành chua ngọt. Tất cả đã tạo nên hương vị khó quên cho món ăn nổi tiếng xứ Nẫu này.

Bún cá Bình Định

Bánh xèo tôm nhảy

Là món bánh dân dã được rất nhiều người yêu thích, bánh xèo được làm từ bột gạo có quyện chút bột nghệ và nước cốt dừa. Phần nhân bao gồm tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Đĩa bánh xèo dọn ra với màu vàng của nghệ, màu tráng phau của giá, màu đỏ của tôm và màu xanh của rau quyện thành một món ăn đẹp mắt.

Ăn món này đúng cách là phải đặt bánh xèo lên một chiếc bánh tráng, cuốn cùng rau mầm và xoài chua rồi chấm ngập vào chén nước mắm. Cắn mạnh một miếng cảm nhận vị béo của dầu, ngòn ngọt của tôm tươi, cay cay của mắm tỏi ớt, ăn kèm bánh tráng gạo mỏng và các loại rau xanh khiến du khách không thể nào quên.

Bánh xèo tôm nhảy

Bánh hỏi cháo lòng

Bánh hỏi là đặc sản Bình Định, ngon nhất ở Diêu Trì. Du khách sẽ thấy nhan nhản những biển hiệu cháo lòng, bánh hỏi khi đến vùng đất này. Thật ra bánh hỏi cháo lòng là 2 món ăn khác nhau nhưng lại được người dân kết hợp với nhau tạo nên món ăn thú vị. Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Còn cháo được nấu khá loãng, bằng huyết ninh với nước cốt hầm từ xương và lòng lợn. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm, ăn cùng với dĩa lòn lợn được chế biến khéo léo, món ăn này trở nên ngon ngọt khác thường.

Bánh hỏi cháo lòng

Nem nướng, nem cuốn

Nem chợ huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính ở đây vẫn là thịt được chế biến từ heo cỏ nuôi dân dã. Nem có thể ăn với rau thơm, cuốn với bánh tráng, hoặc chỉ ăn mỗi nem để tận hưởng hương vị độc đáo của món đặc sản này. Nem khi ăn được chấm với nước mắm hay nước tương tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nước chấm được ưa thích nhất vẫn là nước chấm được pha loãng với đậu phộng giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt khiến nước chấm sánh, đậm đà.

Nem nướng

Gỏi sứa

Món gỏi sứa tai và gỏi sứa chân là món ăn được nhiều du khách đến Bình Định ưa thích. Gỏi sứa tai được làm từ sứa tai bóp sơ sau đó trộn cùng các loại gia vị, đậu phộng, chuối xanh, mướp đắng xắt mỏng, xoài xanh bào sợi và các loại rau thơm.

Để làm gỏi sứa chân cầu kỳ hơn vì phải trộn cùng với thịt gà hoặc thịt lợn xắt mỏng cùng các loại ớt, xoài băm nhỏ, đậu phộng rang và một số loại rau thơm khác. Món ăn này ngon phải được chấm với mắm ruốc mới đúng vị.

Gỏi sứa

Mắm nhum Mỹ An

Nhum biển là loài hải sản biển có họ hàng với trai, sò và có nhiều loại nhum khác nhau như nhum mỡ, nhum sọ, nhum đen,... Trong đó nhum đen nhiều thịt, thơm ngon và béo nhất nên được ưa thích nhất. Nhum ngon bổ, nhưng để chế biến thành một món ăn hấp dẫn, đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỉ mỉ.

Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác vì nhum là loại thức ăn không phải ở đâu cũng có, hoặc chí ít có bán đây đó ở chợ. Thế nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được mắm nhum. Món mắm nhum là đặc sản ở Phù Mỹ Bình Định ngày xưa từng được dùng để tiến vua, chỉ những du khách thực sự may mắn khi đến đây mới có cơ hội được thưởng thức món ăn độc đáo này.

Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon nhưng nhiều du khách được dân nơi đây mách rằng để món mắm nhum phát huy tối đa vị ngon nhất thì dùng nó với bún tươi hoặc để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng, ngon đến “nhức cả nách”.

Mắm nhum Mỹ An

Phở khô Quy Nhơn

Phở chắc hẳn là món ăn quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi vùng lại có những nét đặc sắc riêng. Chẳng hạn như Gia Lai, tô phở khô thường không có nước mà ăn chung với tương cùng chén nước lèo kèm theo. Trong khi đó Phở khô Quy Nhơn lại khác, tô phở thường ăn chung với nước lèo. Đó là lí do tại sao mỗi khi dắt vào quán phở Quy Nhơn, lũ bạn thường trố mắt lên và hỏi những câu kiểu như: “Ủa phở khô là gì? Sao phở khô lại có nước?”. Khác với cọng phở to và mềm như người thiếu nữ duyên dáng của phở Hà Nội. Phở khô Quy Nhơn nổi danh nhờ sợi phở khô “nam tính” như các chàng trai đất võ Bình Định, khi trụng với nước sôi sẽ trở nên thật dai và bùi. Kết hợp với nước lèo thơm ngon đậm đà cùng những lát bò tái ngọt mềm, món ăn hứa hẹn sẽ mang lại cho khách phương xa ấn tượng khó quên.

Phở khô Quy Nhơn

Cháo lươn

Có ai bị nghiền món ăn này không nào? Với những lợi ích diệu kỳ như giải nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, có lợi cho bà bầu,... cháo lươn luôn nằm trong danh sách những đặc sản Bình Định được chào đón. Những chú lươn tươi roi rói  còn dãy đành đạch qua quá trình “biến hóa thần kì” của các đầu bếp tài ba đã trở thành món ăn bổ dưỡng lại vô cùng ngọt ngào, ấm áp. Cháo lươn thường được ăn với nghệ và hành tiêu thật nhiều để khử mùi tanh của lươn. Ngoài ra một số người còn thích cho lòng đỏ trứng gà vào lúc cháo còn nóng và khuấy đều lên ăn để thêm hương thơm và vị béo.

Cháo lươn Quy Nhơn

Bún tôm Châu Trúc

Để có một tô bún Châu Trúc ngon người chế biến cần phải trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ.

Đầu tiên là làm bún chọn loại gạo được ngâm cho mềm rồi mang đi xay sau đó cho vào túi vải làm ráo nước, bột khi đã ráo nước được đưa vào cối xay nhuyễn, mỗi cối bột là một dặn, người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Tôm dùng nấu bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Túc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí mối, tí ớt,... Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc mắm đang sôi đổ vào bác khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút tiêu. Món này dọn kèm với bánh tráng nướng giòn thơm.

Bún tôm Châu Trúc

Bún Song Thằn

Bún Song Thần thuộc làng An Thái (An Nhơn) từ lâu người dân Bình Định đã quen thuộc trong câu ca “Nón ngựa Gò Găng, bún song thằn An Thái”. Bún Song Thằn có tên gọi như vậy vì khi làm bún người ta thường bắt dây bún thành từng đôi một, bún có hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Bún song thằn có thể ăn cùng với lòng gà hoặc mua về làm quà cho người thân.

Bún song thằn

Gié bò Tây Sơn

Gié bò là món ăn chủ yếu từ ruột non của bò, trong ruột bò người chế biến chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Gié bò không phải là món ăn dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Tô gié nóng hổi, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh, ăn với bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng, mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị ngọt thanh của nước dừa, vị đắng nhẹ của gié với bún và rau sống thật hợp.

Gié bò Tây Sơn

Bánh dây Bồng Sơn

Bánh dây là món ăn có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Đây là một món ăn làm từ gạo, đặc biệt mang hương vị khác hẳn. Điểm đặc biệt là trong công đoạn chế biến đó chính là muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ đã thu hoạch từ nhiều tháng trước. Bánh dây ăn cùng với một ít dầu hẹ được thoa đều và đậu phộng giã nhỏ được rải lên. Vị dai của sợ bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của nước mắm ngon tạo nên một món ăn dân dã, mộc mạc nhưng vẫn mang đậm hương vị riêng khó quên của miền đất võ.

Bánh dây Bồng Sơn

Bún sứa nước lèo

Nồi nước lèo chua ngọt, vàng rộm, nóng hổi cùng với đĩa sứa tươi giòn là hương vị khó quên với nhiều du khách từng thưởng thức sứa nước lèo Quy Nhơn, Bình Định. Sứa sau khi bắt được, ngư dân chà sạch rửa nhớt, rồi ngâm với lá ổi hoặc phèn chua cho sứa se lại và mất đi mùi tanh. Sau một ngày mang ra xả nước lạnh thật kỹ, thái thành miếng là có thể dùng được. Sứa nước lèo phải ăn thật nóng mới ngon. Khi nồi nước lèo sôi sùng sục, với mùi thơm hấp dẫn, bạn có thể nhúng sứa nhanh qua rồi ăn luôn. Âm thanh sựt sựt, lạ tai khi cắn miếng sứa mềm khiến nhiều người tỏ vẻ thích thú.

Bún sứa nước lèo Quy Nhơn

Ngẫu nhiên ai đó hỏi “Bây giờ đi ăn gì?” bạn sẽ chẳng còn lúng túng như trước đây nữa khi tất cả đã có trong danh sách món ngon nức tiếng mà Món Ngon Bình Định chia sẻ cho bạn rồi. Hãy save và share lại để dùng khi du lịch chốn đất võ này nhé!

Nem chả tré Bánh tráng Rượu bầu đá Mắm đặc sản Đặc sản khô Bánh kẹo đặc sản Đặc sản khác

Đặc sản Bình Định ngon nhất Tp. Hồ Chí Minh, chỉ có tại Món Ngon Bình Định