Nhiều người lầm tưởng rằng quả vả chính là quả sung nhưng thực tế không phải vậy. Cây vả cùng họ với cây sung, trái vả to, dẹp và nhiều lông hơn, bên trong trái vả khi bổ ra sẽ rỗng chứ không đặc như trái sung. Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng – phần đó được dùng để chế biến thức ăn.
Nếu có dịp ghé Huế, mua vả rồi, nhớ mua thêm hủ mắm ruốc của xứ này, vả cắt lát mỏng chấm mắm ruốt kèm rau húng lủi là tuyệt nhất. Mắm ruốc phải pha thêm chanh, tỏi, ớt, đường. Một dĩa vả sống sắt mỏng, một chém mắm ruốc đậm đà thế là xong bữa cơm, chẳng cần dĩa thịt, bát canh nào nữa. Trong một vài quán nhậu bình dân ở Huế hiện giờ, bạn không khó gặp trên các bàn nhậu mồi vả mắm ruốc này.
Vả chấm mắm ruốc
Cách chế biến rất đơn giản: sau khi gọt vỏ xong, muốn trái vả trắng nuột và không thâm đen thì cho vào nước muối ngâm, cắt vả theo chiều dọc, miếng nào cũng phải còn nguyên vòng tròn, cắt từng miếng vừa phải không quá mỏng để mất đi cái cảm giác giòn khi cắn vào miếng vả. Trái vả rất lạ, mới cắn vào cảm giác không mùi vị lại còn chan chát nhưng nhai vài miếng thì mới cảm thấy cái hậu ngọt và bùi bùi. Càng ăn càng mê, một miếng vả kèm cọng rau húng chấm vào ruốc Huế, cái cay nồng của rau, bùi bùi của vả và vị mặn của mắm ruốc, tất cả hòa vào nhau, cảm nhận được ngay trên đầu lưỡi.
Một món ăn cũng khá phổ biến nữa của người Huế là vả trộn xúc bánh tráng. Món này vốn chỉ có người Huế nghèo mới ăn, nhưng giờ thì ai vào Huế cũng muốn thưởng thức, từ những quá bình dân vỉa hè đến nhà hàng sang trọng.
Vả trộn xúc bánh tráng
Để chế biến được ngon, cần chọn những trái không quá già, thật tươi, vỏ xanh biếc, ruột đỏ hồng. Đun nước thật sôi rồi cho vả vào luộc đến khi chín mềm, vớt ra cho vào ngâm được lạnh để nguội rồi đem gọt vỏ. Sau khi sắt mỏng hình chữ C , dùng tay trực tiếp hoặc cho vào màn vắt cho hết nước chát, vả sau khi luộc thì mềm nhưng bạn cũng cần phải vắt nhẹ tay, tránh làm vòng vả bị gãy.
Mè rang chín vàng, thịt luộc và da heo cắt thành sợi mỏng vừa ăn, tôm thì bóc vỏ rồi xào với dầu, gia vị để giữ vị ngọt. Cuối cùng đem trộn vả, tôm, thịt với mè rang, rau răm, muối, tiêu, đường, ớt và nêm sao cho vừa miệng. Khi cho ra dĩa thì trang trí trên bề mặt ít rau thơm, cọng ngò cho hấp dẫn.
Để ăn vả trộn ngon, người dùng không cần đũa, chén mà thường bẻ bánh tràn nướng xúc ăn. Cầm miếng bánh tráng mè đã nướng vàng, giò để xúc vả trộn, cho vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị là lạ, vừa mặn vừa ngọt, béo bùi... Vị ngọt thơm của vả trộn, bánh tráng, gia vị ở đầu lưỡi tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với thực khách. Từ một món ăn dân dã, trái vả đã chinh phục được sở thích của nhiều người và dã tạo được phong vị riêng cho đất Huế.
Một món ăn truyền thống với vã nữa của Huế mà không nhiều người biết đến, đó là canh vả nấu với sườn non hoặc với tôm. Đây là món ăn lợi sữa cho phụ nữ. Món này thì đơn giản, không mất nhiều thời gian.
- Canh vả nấu với tôm: tôm tươi, bóc vỏ, đem ướp tiêu, nước mắm, muối, đường, bột ngọt chừng 30 phút thì cho nước nóng vào nấu sôi. Khi nước canh sôi thì nêm mắm ruốc vừa miệng rồi mới cho vả sắt lát mỏng vào. Tiếp tục đun sôi đến khi vả chín tới là được.
- Sườn non hầm vả: sườn non rửa sạch chặt miếng nhỏ. Vả gọt vỏ, bổ múi cau mỏng. Phi thơm hành tím cho sườn vào xào săn. Cho vả vào xào đều và nêm gia vị. Châm nước dùng vào, hầm khoảng 15 phút cho đến khi sườn mềm là được.
Với quả vả, người dân đã chế biến thành nhiều món ăn khác nhau và đã trở thành đặc sản ẩm thực đất cố đô. Món ăn từ quả vả - ăn một lần nhớ mãi về sau.
Nem chả tré Bánh tráng Rượu bầu đá Mắm đặc sản Đặc sản khô Bánh kẹo đặc sản Đặc sản khác