Miền Trung – vùng đất của nắng và gió – luôn là một địa điểm tuyệt vời cho mọi tín đồ du lịch, đặc biệt là những du khách yêu thích du lịch phượt. Bên cạnh những điểm đến cuốn hút, dải đất miền Trung còn khiến biết bao du khách phải lưu luyến bởi những món ăn đặc sản độc đáo và hấp dẫn mà không nơi nào có được. Trong số các món ăn miền Trung, các món bánh luôn là những đặc sản mà bạn không thể bỏ qua khi đến với dải đất đầy nắng và gió này.
Huế cổ kính
Nhắc đến ẩm thực miền Trung, đặc biệt là ẩm thực Huế, có thể nói bánh bèo là một món ăn mà thực khách không thể bỏ qua mỗi khi đặt chân đến vùng đất này. Có lẽ cái tên của món ăn này xuất phát từ hình dáng giống hình lá bèo khá độc đáo của nó. Bánh bèo có nguồn gốc từ xứ Huế cố đô, nhưng ở mỗi địa phương thì bánh bèo lại có những biến thể khác nhau. Dù có nhiều biến thể nhưng về cơ bản thì bánh bèo gồm ba phần: phần bánh, phần nhân bánh và phần nước chấm cùng các thành phần phụ khác như đậu phộng rang giã nhỏ, hành phi hoặc tóp mỡ…
Bánh bèo được làm từ bột gạo và đúc bằng chén. Bánh bèo Huế thường mỏng và nhỏ hơn các loại bánh bèo của các vùng miền khác, đặc biệt là bánh bèo của xứ Quảng được đúc to và dày hơn. Phần nhân bánh gồm hai loại: một loại nhân khô là tôm được xay nhuyễn và sấy khô, còn loại nhân ướt được làm từ thịt, tôm băm, hành, hẹ nấu thành một hỗn hợp bột nhão. Nếu loại nhân khô mang đến cho bạn hương thơm của tôm được sấy khô thì nhân ướt là hương vị béo ngậy của thịt bên cạnh hương thơm của tôm và hành, hẹ. Nhân khô là loại nhân truyền thống của bánh bèo, khác với nhân khô, nhân ướt của bánh bèo thường chỉ có ở bánh bèo của xứ Quảng.
Bánh bèo Huế
Bên cạnh phần bánh và phần nhân, nước mắm ăn kèm là một thành phần quan trọng và không thể thiếu khác của món bánh bèo. Nếu nước mắm không ngon thì dù phần bánh và phần nhân có ngon đến đâu thì món bánh cũng trở nên vô vị. Loại nước mắm được dùng để ăn cùng với bánh bèo là loại nước mắm pha. Nước mắm ăn cùng với bánh bèo thường được pha loãng bằng nước lọc trước khi hòa với đường để giảm bớt đi vị mặn và mùi hăng của mình. Loại nước mắm tuyệt vời để ăn cùng với bánh bèo phải là loại nước mắm có vị không quá ngọt, hay quá mặn và đặc biệt là mùi hăng của nước mắm phải không còn hoặc còn rất ít. Cái cảm giác vừa ăn vừa hít hà hơi sảng khoái là đặc điểm khi được thưởng thức món bánh này.
Bánh Nậm cũng được làm từ bột gạo với hình dáng chữ nhật được dát mỏng thanh thanh. Trên bề mặt bánh được điểm xuyết một ít tôm đỏ ửng và được gói bằng lá chuối. Mở lớp lá ra mùi thơm thoang thoảng từ lá, vị béo béo của bánh sẽ cuốn hút mọi thực khách. Rưới nước mắm mặn đều lên bánh rồi dùng đũa xắn thành từng miếng vuông vức. Bánh làm bằng bột gạo nên mềm và dễ tan ngay trong miệng tạo nên một cảm giác thú vị cho thực khách.
Là một món bánh khá phổ biến tại khu vực Bắc Trung bộ, nhưng mỗi khi nhắc đến bánh bột lọc thì bánh bột lọc Huế vẫn luôn là loại bánh được nhắc đến nhiều nhất bởi sự tinh tế và kỹ lưỡng trong cách làm. Về cơ bản, bánh bột lọc là loại bánh được làm từ bột sắn được lọc lấy tinh bột, bên trong có nhân là tôm hoặc tôm thịt, sau khi hoàn thành thì phần bột của bánh khá trong và có thể thấy cả nhân bên trong. Nếu nhìn sơ qua thì thông thường mọi người cho rằng việc làm ra một chiếc bánh bột lọc là một công việc khá dễ dàng nhưng kỳ thực để tạo ra một chiếc bánh ngon và đảm bảo tính thẩm mỹ thì đó là cả một kỳ công của người thợ làm bánh.
Để có một chiếc bánh bột lọc ngon và đẹp mắt thì bột bánh là thành phần quan trọng nhất của một chiếc bánh. Nếu muốn tạo ra một chiếc bánh bột lọc đúng chuẩn thì khâu lựa chọn bột làm bánh là khâu cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong công đoạn làm bánh. Loại bột được lựa chọn làm bánh phải là loại bột ngon nhất bởi chất lượng của bột làm bánh sẽ quyết định đến chất lượng và hình thức của chiếc bánh bột lọc. Nếu ta lựa chọn bột không kỹ thì một chiếc bánh thành phẩm khi được tạo ra ăn sẽ xực xực, bở và không ngon. Ngoài ra, nếu ta lựa chọn bột làm bánh không tốt thì chiếc bánh khi làm ra sẽ không trong, đôi khi có màu thâm, không đẹp.
Bánh bột lọc ở Huế có 2 dạng: bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Tuy khác nhau về hình dáng nhưng cả hai đều rất cầu kì trong cách chế biến và tùy thuộc vào sự khéo tay của mỗi người thợ làm bánh. Nhân bánh màu đỏ ửng của tôm luộc nhanh chóng bắt mắt thực khách, cùng một tí thịt heo ăn với nước mắm vừa miệng đem đến cho bạn nhiều cảm giác tuyệt vời về món ăn “rặt” Huế này.
Quảng Nam trầm mặc
Rời khỏi Huế, đi xuống phía nam là chúng ta đến Quảng Nam - Đà Nẵng. Và sẽ thật thiếu xót nếu bỏ qua món bánh đập khi đến vùng đất này. Là một món ăn chơi khá phổ biến, nhưng nơi khiến cho bánh đập trở thành một món ăn đơn giản nhưng tinh tế, làm nức lòng bao du khách thập phương lại chính là Hội An. Có thể nói, với món bánh đập thì không nơi nào có thể sánh bằng tại Hội An. Bánh tráng ở đây gồm 2 phần gồm: lớp bánh tráng nướng mỏng được trải bên trên là lớp bánh tráng mỏng mềm phía trong. Khi ăn, bánh tráng sẽ được đập nhẹ cho vỡ ra từng mảng, rồi dùng với mắm nêm hay mắm cái cùng mỡ hành đem đến cảm giác thơm ngon và lạ miệng. Độ giòn của bánh cũng như vị vừa miệng của nước chấm, béo ngậy làm thực khách khó lòng dừng lại được.
Có thể bạn đang băn khoăn tại sao món ăn này lại có cái tên bánh đập khá “ngộ” như vậy! Giải thích cho câu hỏi của bạn thực sự khá đơn giản bởi khi ăn ta phải gấp đôi chiếc bánh lại rồi “đập bẹp” một cái thì mới có thể ăn được. Tùy nơi mà bánh đập có thể được ăn chung với tôm, thịt heo luộc hay thịt nướng. Tuy có nhiều cách ăn những cách ngon nhất để thưởng thức bánh đập vẫn là ăn không chấm với mắm nêm.
Khi ăn bánh đập bạn hãy đừng nuốt vội, hãy nhai từ từ để vị ngọt của gạo, vị mặn mặn, cay nồng của mắm nêm, hương thơm của hành phi dần thấm vào đầu lưỡi của bạn. Không chỉ vậy, cảm giác giòn giòn, dai dai của chiếc bánh đập khi nhai cũng sẽ là những trải nghiệm về món ăn này mà bạn không thể nào quên trong lần thử đầu tiên đấy!
Bánh đập Quảng Nam
Cũng như ở Hải Dương, bánh đậu xanh tại Hội An cũng làm nên thương hiệu riêng và trở thành đặc sản của vùng đất này. Bánh đậu xanh ở đây có hình dáng tròn hoặc vuông với hương vị đa dạng của bánh. Bánh đậu xanh Hội An có hai loại: bánh đậu xanh ướt và bánh đậu xanh khô. Bánh đậu xanh ướt cũng tương tự như bánh ở Hải Dương, nhưng bánh có độ dẻo vừa phải, không bị tan ngay khi vào miệng. Còn bánh đậu xanh khô lại mang hơi thở đặc trưng của vùng đất này. Bánh được nén với lớp nhân thịt ở phía trong. Vị ngọt, giòn và béo của bánh làm cho nhiều người cảm thấy thích thú khi được thưởng thức lần đầu tiên.
Bình Định mặn mà
Rời Quảng Nam - Đà Nẵng để đến với đất võ Bình Định. Tới đây, bạn hãy thưởng thức ngay món bánh hỏi nổi tiếng. Bánh hỏi tại đây được làm từ bột gạo cũ nên lớp bánh mềm và mỏng. Bánh thường được xếp vào rổ tre có xếp lá chuối ăn kèm với thịt heo luộc. Cuốn bánh tráng và dưa leo thái mỏng thêm một chút hẹ rải lên trên bề mặt với nước mắm hay mắm nêm là bạn có thể thấy cái độc đáo của món ăn này.
Từ xứ trầm hương Khánh Hòa đến đất Bình Thuận thì các món ăn mang vị đậm đà của biển. Đặc trưng trong đó bánh căn và bánh xèo được mọi thực khách gần xa biết tới và ưa thích.
Cái đậm đà của bánh căn không chỉ dừng lại ở độ giòn và độ dẻo của bánh mà còn từ các loại nước chấm được pha chế rất riêng tại mỗi vùng. Nước chấm được làm chủ yếu từ cá tươi – món đặc sản tại xứ biển nên hương vị mặn, đậm đà. Hoặc không còn có thể dùng thêm mắm nước, mắm nêm, mắm ruột ăn cho lạ miệng. Thật ngon khi thưởng thức bánh nóng giòn với chén nước mắm đầy mở hành đúng chất của món này.
Không kém gì bánh căn, bánh xèo cũng là món được nhiều người ưa thích bởi nguyên liệu đa phần là hải sản tươi nguyên từ biển hòa với nước chấm pha hơi chua chua ngọt ngọt. Món bánh này được dùng kèm với rau sống thì thật là tuyệt cú mèo. Miếng bánh nóng và ngọt thịt với lớp nhân hải sản phía trong, pha trộn với vị mắm dịu nhẹ và rau sống nhai giòn thật đã miệng.
Bánh xèo Bình Định
Những món ăn miền Trung bình dị và đơn giản như chính con người nơi đây nhưng luôn để lại lưu luyến mọi thực khách gần xa khi được thưởng thức. Các món bánh tại vùng đất này đa dạng về hình thức cũng như độc đáo trong cách chế biến đã thực sự đem lại cho thực khách một cảm giác khó quên khi trót nếm qua.
Nem chả tré Bánh tráng Rượu bầu đá Mắm đặc sản Đặc sản khô Bánh kẹo đặc sản Đặc sản khác